Từ ý tưởng đến đam mê
Có thể đâu đó bạn nghe câu là ý tưởng là rẻ. Góc độ nào đó tôi nghĩ không đúng. Ý tưởng không rẻ mà vô cùng đắt giá. Nhưng ý tưởng có giá trị hơn rất nhiều nếu nó có thể thành hiện thực. Đó là điều vô cùng khó trong quá trình thực thi và thực hiện nó. Mình theo đuổi ý tưởng này cũng đâu đấy 24 năm để tiếp tục hoàn thiện và cải tiến nó trong cuộc sống. Một mình với bao kiến thức thuộc lĩnh vực khác mình phải nỗ lực tự học, tự sáng tạo, tự triển khai mà không có một ai hỗ trợ hay đỡ đầu. Mình lên kế hoạch và giải quyết triệt để nó trong điều kiện vô cùng khó khăn của Việt Nam lúc đó. Đến sau này mình liên tục lấy thực tiễn, chiến thắng từ nó tự tài trợ cho chính nó. Nói cách khác mình lăn xả với thực tiễn để cảm nhận tính áp dụng, tính chính xác bằng thước đo có hiệu quả hay không.
Bằng sự kiên định trong suốt thời gian dài, mình ngủ ít hơn với
sức làm việc đến 16-18h giờ mỗi ngày. Có nhưng hôm mình chỉ ngủ có 2 tiếng hay
không ngủ vì say mê chìm đắm trong xử lý nó. Mình hiểu cái giá của sự chăm chỉ
cần mẫn rồi sẽ có sự đền đáp nhất định.
Huế là quê hương nơi mình sinh ra. Huế tuy nhỏ bé trên một dãy
đất nhỏ hẹp không được thiên nhiên ban tặng cho sự trù phù về sản vật của tạo
hóa. Nơi đó con người rất yêu chuộng kiến thức. Huế từng là kinh đô của một
thời nhà Nguyễn rực rỡ. Và nơi đó ắt từng hội tụ nhiều tri thức lớn của mọi
miền tổ quốc. Huế ngày nay vẫn là tỉnh nhỏ bé nhưng có số lượng các giáo sư,
tiến sĩ nhiều thứ 3 cả nước. Có những lĩnh vực Huế dẫn dầu không chỉ trong nước
mà là địa chỉ uy tín của khu vực và quốc tế. Mình nghĩ nơi nhỏ bé có thể phát
triển được kinh tế nếu biết gắn tri thức với thực tiễn thì nhất định Huế sẽ
phát triển. Nếu như Huế gắn mảng ghép cả khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, các
lực lượng sản xuất công nghệ thì Huế nhất định thu hút được rất nhiều nhà máy
sản xuất công nghệ cao phù hợp. Huế nếu tập trung vào xây dựng trung tâm dữ
liệu lớn cho đến hình thành một nền gia công xử lý dữ liệu thì ắt câu chuyện
lớn sẽ đến. Chúng ta định hướng mình ở phân khúc nào để hoàn thiện các thế mạnh
đấy mới là câu hỏi lớn không chỉ cho người làm thực tiễn mà còn ở cả chính sách
phân bổ đầu tư, thu hút nguồn lực về đổi mới. Ai cũng hiểu nói thì dễ làm mới
khó. Mình chỉ tâm niệm là cứ làm tới đi, từng bước cụ thể sẽ đóng góp phần nào
đó nhỏ bé cho quê hương. Mọi người dân ở đâu thì chỉ cần làm tốt vai trò của mình
thì mỗi chúng ta sẽ giàu có lên, và nước nhà sẽ hùng cường.
Năm cũ sắp trôi qua một tin vui lại đến. AIQuant là sẽ bước tiếp
con đường đã đi. Năm mới sẽ có những bước đi thần tốc hơn, khát khao hơn, mạnh
mẽ hơn nữa. Nói theo ngôn ngữ nhà binh là quyết chiến quyết thắng.
Nhân đây mình cám ơn tỉnh TT Huế, Sở KHCN, Tiến sĩ Hồ Thắng –
Giám đốc SKHCN đã tổ chức giải thưởng danh giá 5 năm một lần với 40 công trình
lớn của các tri thức đầu ngành một cách chuyên nghiệp, minh bạch và công khai.
Mình bất ngờ nhất là cách tổ chức trang trọng còn hơn các giải lớn khác mình đã
nhận. Đặc biệt khi nào cái vòng hoa cũng đẹp rực rỡ lạ kỳ.
Chúc mừng
anh Tiến sĩ Hồ Thắng với công trình của mình.
Kể cũng vui, chắc lần đầu tiên trong một giải có đôi bạn cùng
cấp 3 một lớp CL – Quốc Học Huế cùng đạt giải ở hai lĩnh vực khác nhau.
Chúc mừng
bạn Ts Nguyễn Thanh Thảo ở lĩnh vực y khoa. Mình có nhiều bạn
cấp 3 giờ là các Tiến sĩ đầu ngành của Huế trong lĩnh vực chuyên môn y tế
chuyên sâu.
CUỐI NĂM
Cuối năm không rượu cũng không hoa
Chỉ có niềm vui ghé thăm nhà
Bằng khen giải thưởng gì cũng có
Cũng để vui chơi ngắm gọi là
Ngoài kia mưa gió đầy giăng lối
Thị trường bôn ba lắm sóng đời
Tay ta chèo lái từng đoạn bước
Vững bước hiên ngang xá sợ gì
Mai đây ta đến nơi bờ bến
Cũng chỉ cuộc vui ở cõi đời
Đường xa vạn dặm ngày trông thấy
Cứ nghĩ rong chơi cả một đời
Mình vu vơ một bài thơ để tự nhắc nhớ. Con đường phía trước còn
dài. Cứ làm tới, dù nó có gì cứ chiến hết mình là được. Khà khà.
Huế, chiều cuối đông 30/12/2021
#Nikita – TLND - NPD
TẶNG GIẢI THƯỞNG CỐ ĐÔ VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LẦN THỨ IV, NĂM
2021 CHO 14 CÔNG TRÌNH/CỤM CÔNG TRÌNH
Sáng ngày 30/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tổng kết và
trao Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ lần thứ IV năm 2021. Tham dự
buổi lễ có UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn
Phương và đại biểu, các nhà khoa học, nhóm tác giả.
Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ là giải thưởng của
tỉnh Thừa Thiên Huế về khoa học và công nghệ, được xét trao tặng cho tác giả
của các công trình xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, có tính
khả thi; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, đóng góp vào sự phát
triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển khoa học
và công nghệ của địa phương. Sau 3 lần tổ chức, Giải thưởng đã góp phần tích
cực vào việc động viên, khuyến khích, tôn vinh các tác giả, các nhà khoa học
trên địa bàn, nhiều công trình đạt giải đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp
phần tháo gỡ khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Hồ Thắng cho biết, sau gần 6
tháng phát động Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ lần thứ IV, năm
20021, Ban Tổ chức đã nhận được hồ sơ của 40 công trình/cụm công trình đăng ký
xét tặng Giải thưởng trên 5 lĩnh vực, cụ thể: Lĩnh vực khoa học Kỹ thuật: 07
công trình/cụm công trình; Lĩnh vực khoa học Tự nhiên: 02 công trình/cụm công
trình; Lĩnh vực khoa học Nông – Lâm – Ngư nghiệp: 06 công trình/ cụm công trình;
Lĩnh vực khoa học Xã hội và Nhân văn: 09 công trình/cụm công trình; Lĩnh vực
khoa học Y dược: 16 công trình/cụm công trình.
Trên cơ sở kết quả xem xét, đánh giá của Hội đồng xét tặng Giải
thưởng của tỉnh đã lựa chọn 14/17 công trình/cụm công trình trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định tặng thưởng. Những công trình đạt giải
đều là những công trình xuất sắc, không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có
giá trị về thực tiễn đối với tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, khu vực miền Trung
– Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Cụ thể, lĩnh vực khoa học Kỹ thuật (01 công trình): Công trình
“AIQuant – Hệ thống trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ ra quyết định trong lĩnh vực tài
chính”.
Lĩnh vực khoa học Tự nhiên (02 công trình): Công trình “Nghiên
cứu mối liên quan giữa điều hòa biểu hiện gen và quá trình chuyển hóa thứ cấp
để cải thiện sinh tổng hợp một số hoạt chất sinh học có giá trị từ nuôi cấy tế
bào thực vật”; Công trình “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để
thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã”.
Lĩnh vực khoa học Nông – Lâm – Ngư nghiệp (01 công trình và 01
cụm công trình): Công trình “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài dược liệu
Sâm Cau (Curculigo orchioides Gaertn) tại khu vực Trung Trung bộ”; Cụm công
trình “Ứng dụng công nghệ sinh học trong khai thác và phát triển các cây trồng
có giá trị kinh tế ở Thừa Thiên Huế” (gồm 3 công trình).
Lĩnh vực khoa học xã hội và Nhân văn (03 công trình): Công trình
“Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững nghề và làng nghề truyền thống trên
địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”; Công trình “Thơ văn trên kiến trúc cung đình
Huế”; Công trình “Kiến trúc đình làng tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Lĩnh vực khoa học Y dược (02 công trình và 04 cụm công trình):
Công trình “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật nội soi hiện đại trong chẩn
đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa gan mật ở Bệnh viện Trường Đại học Y -
Dược Huế”; Công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên
tiến trong chẩn đoán và can thiệp một số bệnh lý”; Cụm công trình “Ghép tạng
tại Bệnh viện Trung ương Huế” (gồm 9 công trình); Cụm công trình “Nghiên cứu
tình hình đột quỵ; thực trạng một số bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ
và một số giải pháp can thiệp dự phòng cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế” (gồm
12 công trình); Cụm công trình “Ứng dụng kỹ thuật cao phát hiện sự khuếch đại
gen HER2 trong ung thư vú ở phụ nữ miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam” (gồm 8
công trình); Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị
bệnh lý sỏi mật” (gồm 10 công trình).